Na Chi Lăng

Na Chi Lăng đúng như tên gọi là loại quả được trồng ở huyện Chi Lăng tỉnh Lạng Sơn. Nằm ở vị trí dễ dàng nhận ra, từ quốc lộ 1B đến Lạng Sơn, qua ải Chi Lăng những ngày nay bỗng nhộn nhịp cảnh thương lái từ khắp nơi đổ về để mua và vận chuyển na Chi Lăng đi khắp nơi tiêu thụ. Tháng 8 hàng năm – thời điểm vựa na Chi Lăng vào vụ, hàng trăm sọt na tươi theo ròng rọc xuống núi để kịp giờ thương lái thu gom. Giống na này được người tiêu dùng yêu thích bởi quả đều to, da xanh nhạt, kẽ mắt trắng hồng, cùi dày, ít hạt, ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng.

Cây na được trồng chủ yếu ở 5 xã và thị trấn gồm : Xã Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Đồng Mỏ, xã Quang Lang và xã Mai Sao, trên các dãy núi đá Cai Kinh lởm chởm, dựng đứng tạo nên địa thế hiểm trở của cửa ải Chi Lăng huyền thoại, gồm các dãy núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên.., thuộc vùng cung Bắc sơn có nhiều sườn núi dốc đứng với độ cao trên 400m, nơi đây vốn được coi là “ải hiểm tựa lên trời” với danh truyền “thập nhân khứ, nhất nhân hoàn” (10 người đến, chỉ có một người quay trở về). Nhưng với sự cần cù lao động, cây na “ đã trèo” lên núi đá, ngự trị trên vùng núi đá và trở thành cây trồng chính, cây hàng hóa mũi nhọn của huyện Chi Lăng, cây xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây.

Cây na được hình thành và phát triển trong điều kiện từ cái khó ló cái khôn và người dân Chi Lăng đã biến cái khó thành nội lực phát triển. Vì thiếu đất canh tác, do điều kiện họ cùng phải nhau sống và chấp nhận trên vùng núi hiểm trở này và họ đã thay đổi quan niệm sống, vác đất lên núi đá và trồng thử nghiệm một số cây trồng trên núi đá, ban đầu chỉ có một số hộ dân thử trồng cây na,lấy giống từ huyện Hòa Đức Hà Nội lên, nhưng thử nghiệm đó đã trở thành một phát minh của người nông dân, cây na đặc biệt thích ứng với vùng núi đá ở đây, vì thế nhà nhà đua nhau trồng cây na, diện tích ngày càng mở rộng, từ vạt núi này sang vạt núi khác, năm 1997 từ 500 ha đến năm 2013 tăng lên đến hơn 1.000 ha.

Vì cây na chủ yếu được trồng trên vách núi đá cao vút, nên để thu hoạch những trái na từ trên đỉnh núi xuống, người dân nơi đây đã chế tạo ra những chiếc ròng rọc chạy từ trên cao xuống tận chân núi. Dây cáp để tời na xuống núi là hai đoạn dây song song móc vào vành xe đạp. Hai sọt na được đu xuống, dây cáp lại kéo hai sọt rỗng lên. Cứ thế na được vận chuyển nhanh chóng, an toàn xuống tận chân núi cách đỉnh hàng trăm mét thẳng đứng. Chính vì na được hái cách đặc biệt như thế , nên nhiều người ví von rằng lên Chi Lăng được ăn na đu dây. Na vừa hái xong được tập kết ngay tại chân núi và phân theo kích cỡ rồi đóng vào thùng xốp. Cứ một lượt na lại được lót một lượt giấy báo để tránh cho na bị dập, nát. Các chủ buôn chỉ việc cho thùng lên xe tải, chở đi khắp các vùng miền trong cả nước.

Có dịp ghé qua huyện Chi Lăng vào mùa na chín, bạn có thể mua na về làm quà cho gia đình, người thân và bạn bè. Bạn nên chọn quả tròn, mắt to, kẽ mắt trắng, da xanh non, cuống nhỏ, chín mềm không nứt. Lựa quả có vỏ mỏng, mắt nở và phẳng, hơi nứt nhưng vẫn còn cuống, đó là những quá chín cây, ăn ngọt và thơm.

Leave Comments

0886055166
0886055166