Chiều 10/5, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025 (đợt I), triển khai Giải thưởng giai đoạn 2023 – 2025 (đợt II). Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Lạng Sơn đã xuất sắc đạt 01 giải A tập thể và 01 giải C cá nhân.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Giải A tập thể được trao cho ấn phẩm “Bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn” (Nùng,Tày, Dao, Mông, Sán Chay). Ấn phẩm được xuất bản nhằm mục đích giữ gìn, lưu truyền và đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc nói riêng và truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói chung, qua đó góp phần tuyên truyền quảng bá nét đẹp trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn đến đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế. Ấn phẩm “Bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn” ngay sau khi được xuất bản. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn đã triển khai phát hành rộng rãi đến các sự kiện chính trị của tỉnh, các hội nghị, hội thảo về du lịch, các sự kiện của ngành tham gia các hoạt động tuyên truyền, quảng bá trong và ngoài nước. Sức lan tỏa, ý nghĩa và sự độc đáo của cuốn sách được các độc giả và đông đảo nhân dân, khách du lịch đánh giá cao và đã được quảng bá rộng rãi tại nhiều sự kiện.
Đồng chí Trần Thị Bích Hạnh – Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch lên nhận giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 1 cho ấn phẩm “Bảo tồn và phát huy nét đẹp trang phục các dân tộc thiểu số tỉnh Lạng Sơn”
Giải C cá nhân trao cho đồng chí Nguyễn Thị Phượng với tác phẩm “ Mảnh đất mến người ”. Tác phẩm viết về tấm gương điển hình trong lao động trên mảnh đất Na Dương. Công ty than Na Dương được thành lập đã đưa thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình – mảnh đất từ một vùng đồi núi, dân cư thưa thớt, kinh tế thuần nông, đời sống nhân dân có nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn có sự thay đổi vượt bậc, cơ sở vật chất, trình độ dân trí, đời sống của Nhân dân được nâng cao đáng kể. Với đặc thù nghề mỏ là nghề nặng nhọc, độc hại, song môi trường khắc nghiệt ấy luôn sáng lên những tấm gương điển hình cho sự nỗ lực trong lao động, sáng tạo, không ngừng cống hiến cho sự phát triển của đơn vị, ngành và tỉnh. Sáng kiến “Lắp bổ sung bộ hút bụi trạm nghiền than”; “Lắp van điều chỉnh cho đường rút xỉ transferlife”… của Vũ Nguyên Tuấn Anh, Phó phòng Kỹ thuật – An toàn của Công ty Nhiệt điện Na Dương – Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và đồng nghiệp đã tiết kiệm chi phí cho đơn vị mỗi năm hàng tỷ đồng.
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch