Xây dựng thương hiệu điểm đến được xem là chiến lược chọn lựa và xây dựng một hình ảnh tích cực nhằm tạo lập và nhận dạng duy nhất để phân biệt một điểm đến với các đối thủ cạnh tranh, sau đó tiến hành định vị hình ảnh đó trong tâm trí khách du lịch nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý trên diện rộng của đông đảo du khách đến điểm du lịch. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển ngành Du lịch của mỗi quốc gia nói chung và mỗi địa phương nói riêng.
Với thế mạnh nguồn tài nguyên du lịch nhân văn – tài nguyện du lịch tự nhiên đa dạng và chiều sâu văn hóa của một vùng đất, trong tổng thể Lạng Sơn xác định sản phẩm du lịch chính là: Du lịch tham quan các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, Sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh – lễ hội , Sản phẩm du lịch biên giới, cửa khẩu kết hợp mua sắm, Sản phẩm du lịch văn hóa cộng đồng, Sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn. Ngoài ra tỉnh còn có loại hình sản phẩm du lịch leo núi thể thao mạo hiểm, chơi golf, dù lượn ở các khu vực Mẫu Sơn, Khau Sao, Băc Sơn, Yên Thịnh…
Nhìn chung, các sản phẩm du lịch Lạng Sơn còn thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao, nguồn nhân lực chất lượng cao còn ít,… Những vấn đề trên là nguyên nhân làm giảm giá trị của các sản phẩm, dịch vụ, làm giảm chất lượng các chương trình du lịch.
Trên bình diện tổng thể, du lịch Lạng Sơn đã hình thành 5 không gian du lịch với hướng phát triển sản phẩm có những đặc thù riêng phù hợp với đặc điểm tài nguyên du lịch, vị trí địa lý và các điều kiện kinh tế – xã hội, bao gồm:
Không gian du lịch trung tâm: Bao gồm thành phố Lạng Sơn và huyện Cao Lộc với sản phẩm du lịch: Tại đây đã hình thành và phát triển các dòng sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch tham quan; du lịch thương mại cửa khẩu và du lịch hội nghị, hội thảo (du lịch MICE)…
Không gian du lịch Tây Nam: Bao gồm huyện Hữu Lũng và Chi Lăng với sản phẩm du lịch: du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch sinh thái kết hợp trang trại vườn na (Chi Lăng – Hữu Lũng), du lịch cộng đồng (Hữu Liên), du lịch tâm linh (Đền Bắc Lệ, đền Quan Giám Sát), điểm dừng chân trên tuyến du lịch quốc gia (thuộc huyện Chi Lăng)…
Không gian du lịch phía Tây: Bao gồm các huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan với sản phầm du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng ở Bắc Sơn; tham quan di tích lịch sử văn hóa; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ…
Không gian du lịch phía Đông Nam: Bao gồm các huyện Lộc Bình và Đình Lập với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch biên giới (tham quan dọc tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc, du lịch canavan), nhưng đến nay chưa được phát triển.
Không gian du lịch phía Bắc: Bao gồm các huyện Văn Lãng và Tràng Định với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử gắn với Chiến dịch Biên giới đường số 4. Tuy nhiên các dòng sản phẩm trên chưa phát triển được nhiều.
Trên cơ sở định hướng của tỉnh đối với phát triển sản phẩm du lịch cũng đã được xác định rõ tại Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, trong đó tập trung vào sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biên mậu và du lịch nông nghiệp. Đặc biệt, ngày 15/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 557/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn đến năm 2040 với quy mô diện tích khoảng 14.964 ha. Đây là tiền đề cho các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn.
Các tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh đã được hình thành và phát triển, làm cơ sở cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng được một số chương trình du lịch hấp dẫn khách du lịch, trong đó khẳng định vai trò quan trọng của du lịch Lạng Sơn như:
+ Tour du lịch Hà Nội – Lạng Sơn – Mẫu Sơn (2 ngày);
+ Tour du lịch lễ hội đầu năm Lạng Sơn (2 ngày 1 đêm);
+ Hà Nội – Lạng Sơn – các tỉnh Đông Bắc (Bắc Kạn – Ba Bể – Cao Bằng – Thác Bản Giốc – Chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc (5 ngày 4 đêm);
+ Hà Nội – Lạng Sơn – Hữu Nghị – Nam Ninh (3 ngày 2 đêm);
+ Hà Nội – Lạng Sơn – Nhị Thanh – Tam Thanh – Bằng Tường (2 ngày 1 đêm);
+ Hà Nội – Bắc Sơn – Bình Gia – Lạng Sơn (2 ngày 1 đêm)…
Nhìn chung, đánh giá hiện trạng phát triển du lịch Lạng Sơn theo không gian lãnh thổ có thể nhận thấy việc tổ chức không gian lãnh thổ trên thực tế là phù hợp, đảm bảo khai thác có hiệu quả tiềm năng và khả năng phát triển du lịch. Ngày nay, nhờ hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng ngày càng phát triển, việc tổ chức không gian lãng thổ du lịch chỉ mang ý nghĩa tương đối, nhưng việc hình thành các không gian, tuyến điểm du lịch trên là tiền đề cơ bản để tổ chức không gian phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Theo đó cần các thực hiện tốt các giải pháp sau:
Giải pháp về đầu tư phát triển sản phẩm du lịch: Quản lý điểm đến du lịch Lạng Sơn cần tiến hành xây dựng chiến lược hoạt động marketing đối với các điểm đến du lịch bao gồm: chọn thị trường mục tiêu, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Lạng Sơn trên thị trường du lịch, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Xây dựng thương hiệu điểm đến của Du lịch Lạng Sơn là nhiệm vụ cần thiết đòi hỏi cần làm tốt công tác quản lý, xây dựng đồng bộ các chiến lược sản phẩm, xúc tiến để tạo dựng thương hiệu trên thị trường.
Tập trung đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của Lạng Sơn. Du lịch Văn hoá: Xác định văn hoá là điểm nhấn trọng tâm trong phát triển sản phẩm du lịch tại các điểm đến; đầu tư phát triển nâng cao chất lượng thăm quan các di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia, cấp thành phố (hướng dẫn viên tại điểm, thuyết minh viên, hệ thống chỉ dẫn cung cấp thông tin…); đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tại các làng nghề văn hoá truyền thống, (chương trình thăm quan, hướng dẫn viên địa phương, các hoạt động tại làng…); đầu tư xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống và đương đại trên đường phố…; đầu tư bảo tồn hệ thống di tích văn hoá lịch sử. Tập trung đầu tư phát triển xây dựng các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch trọng điểm theo đúng mục tiêu đề ra để tạo sản phẩm điểm nhấn cho du lịch thành phố.
Đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch: phát triển hệ thống cơ sở lưu trú phù hợp với từng loại hình sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách; phát triển hệ thống nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, đảm bảo tính đa dạng về loại hình ẩm thực đồng thời nhấn mạnh giới thiệu ẩm thực Lạng Sơn; phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ phục vụ khách du lịch (hạ tầng viễn thông, điện, nước, y tế, ngân hàng…); xây dựng các công trình vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, hệ thống vận chuyển khách du lịch chất lượng cao, an toàn, thân thiện môi trường, thân thiện với người tàn tật.
Đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích văn hoá lịch sử; bảo vệ môi trường tự nhiên, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng cường công tác an ninh an toàn cho khách du lịch và người dân thành phố, triển khai hoạt động của nhóm cảnh sát du lịch, tăng cường hỗ trợ của đường dây điện thoại nóng cho khách du lịch.
Giải pháp về cơ chế, chính sách phát triển sản phẩm du lịch
Tỉnh Lạng Sơn đã đề ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình phát triển du lịch tỉnh là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh và khai thác hiệu quả các tuyến du lịch. Một trong những nỗ lực mà ngành du lịch đang triển khai là đa dạng hóa từng bước các sản phẩm du lịch, xây dựng thêm các tour, tuyến du lịch mới, độc đáo, mang bản sắc riêng của tỉnh Lạng Sơn. Để xây dựng và phát triển thành công hơn nữa các sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Lạng Sơn cần tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước, chính sách phục vụ chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tập trung xây dựng từng loại sản phẩm du lịch cụ thể; đẩy nhanh công tác lập quy hoạch, đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng, dịch vụ du lịch; đẩy mạnh liên kết, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù; phát huy vai trò của Hiệp hội Du lịch và các doanh nghiệp hoạt động lữ hành.
Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, kinh doanh sản phẩm du lịch theo định hướng cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhà đầu tư chiến lược của tỉnh (cơ chế hỗ trợ về giá điện nước, thuế đất; tạo diễn đàn công – tư để tiếp nhận giải quyết các khó khăn, rào cản trong kinh doanh của doanh nghiệp…)
Xây dựng cơ chế liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa ngành du lịch và các ngành liên quan (giao thông, văn hoá, nông nghiệp, truyền thông, thương mại…); tạo cơ chế liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý phát triển du lịch từ cấp tỉnh tới cấp huyện, ban quản lý khu/điểm du lịch; tạo cơ chế liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa tỉnh và các điểm đến du lịch nổi bật trong vùng (Hà Nội – Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, các tỉnh trong khối Việt Bắc, Các tỉnh Tây Bắc mở rộng, các tỉnh trong nhóm Đông Bắc với TP Hồ Chí Minh…), quốc tế (với các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc)
Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch
Triển khai áp dụng bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng sản phẩm du lịch (quy định cho cơ sở lưu trú, điểm du lịch, cơ sở ăn uống, cơ sở kinh doanh lưu niệm, công ty lữ hành, vận chuyển khách du lịch, điểm dừng chân). Áp dụng các biện pháp quản lý cưỡng chế chống bán phá giá, chống độc quyền, chống sao chép sản phẩm du lịch; biện pháp khuyến khích quản lý chất lượng du lịch đối với các cơ sở kinh doanh du lịch, đảm bảo chất lượng cam kết với thương hiệu xây dựng. Tăng cường truyền thông, phổ biến nâng cao nhận thức của doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong thực hiện, tham gia các quy chuẩn ngành về chất lượng sản phẩm du lịch; tăng cường vai trò của Hiệp hội du lịch tỉnh trong hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy áp dụng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm du lịch.
Tăng cường vai trò của cơ quan quản lý du lịch cấp huyện, ban quản lý các khu/điểm du lịch trong hỗ trợ khách du lịch đảm bảo an ninh, an toàn, môi trường du lịch. Đánh giá, kiểm soát các dự án phát triển du lịch theo đúng chiến lược phát triển du lịch của tỉnh để đảm bảo phát triển sản phẩm du lịch đúng trọng tâm, tránh trùng lắp; thường xuyên rà soát tính phù hợp theo thực trạng phát triển du lịch của địa phương.
Giải pháp đẩy mạnh thị trường, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch
Tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các ấn phẩm truyền thông, truyền hình. Xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với các sự kiện văn hóa lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo. Tích cực triển khai thực hiện công tác xã hội hóa và tăng cường liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, có sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa địa phương và Trung ương trong quảng bá, xúc tiến du lịch thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Thúc đẩy phát triển thị trường khách quốc tế và thị trường khách nước ngoài sống tại Việt Nam: xây dựng kế hoạch xúc tiến, thu hút khách du lịch quốc tế theo từng giai đoạn và phù hợp với từng thị trường trọng điểm; tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch quốc tế chung của cả nước; xây dựng hệ thống thông tin du lịch (website, bản đồ, chỉ dẫn, quầy thông tin du lịch, tờ rơi…) tiện ích, đa dạng thông tin, bằng những ngôn ngữ quốc tế chính; xây dựng các chương trình quảng bá du lịch tỉnh ra quốc tế (quảng cáo trên các cơ quan truyền thông, tham gia các sự kiện du lịch quốc tế lớn, quảng bá du lịch Lạng Sơn trong các sự kiện quốc tế…); đơn giản hoá các thủ tục đối với khách du lịch là nước ngoài.
Coi trọng thị trường khách du lịch nội địa: nghiên cứu phân đoạn thị trường nội địa để có những chiến dịch xúc tiến quảng bá phù hợp, hiệu quả; kết hợp xúc tiến tại các địa phương liên kết phát triển du lịch thu hút trao đổi khách du lịch; phát triển thương hiệu Du lịch Lạng Sơn từ đó xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp hấp dẫn khách du lịch nội địa; có những chính sách kích cầu đối với thị trường nội địa.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch: Đầu tư phát triển nguồn nhân lực du lịch có chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp tốt; phát triển hệ thống các trường đào tạo nghề du lịch trên địa bàn tỉnh, khuyến khích các cơ sở đào tạo tư nhân được quản lý chất lượng; ưu tiên phát triển hệ thống đào tạo tại chỗ của các doanh nghiệp; tăng cường các chương trình tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng quản lý du lịch, phổ biến chính sách phát triển du lịch tỉnh; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho lao động du lịch chất lượng cao làm việc tại tỉnh. Tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với phát triển sản phẩm du lịch: tổ chức các chương trình tập huấn về kỹ năng phục vụ khách du lịch đối với các địa bàn phát triển du lịch cộng đồng; phát triển lực lượng thuyết minh viên tại điểm là người địa phương đối với các điểm du lịch văn hoá, làng nghề, thông qua chương trình tập huấn, hỗ trợ người dân; tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, đạo đức kinh doanh du lịch của các hộ kinh doanh cá thể dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh; phổ biến bộ Quy tắc ứng xử với khách du lịch.
Các giải pháp phát triển sản phẩm du lịch trên đây nếu được thực hiện hiệu quả trong thực tế thì đó sẽ là động lực cho sự phát triển du lịch, phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, du lịch Lạng Sơn trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tính chuyên nghiệp, sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng, sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn tiếp theo./.
Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn