Chi Lăng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, gắn liền với những chiến công hiển hách của cha ông ta trong suốt lịch sử dựng nước, giữ nước. Chi Lăng có địa thế hiểm trở, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi non trùng điệp, nằm trên con đường huyết mạch nối liền tuyến liên vận quốc tế Á – Âu, có vị trí địa chiến lược quan trọng về kinh tế, văn hóa, ngoại giao và an ninh quốc phòng.
Chi Lăng là ải hiểm trở nhất trên đường cái quan từ Nam Quan về Thăng Long. Ải Chi Lăng là một thung lũng nhỏ, hình bầu dục, hai đầu nam bắc thu hẹp, gần như khép kín. Chiều dài ải Chi Lăng khoảng 4km, chỗ rộng nhất hơn 1km.
Trong nhiều năm trước đây, các tài liệu về di tích Chi Lăng đều ghi nhận có 52 điểm di tích (trong đó bao gồm cả các di tích, dấu tích, địa danh tên gọi hiện còn và các câu chuyện truyền miệng còn lưu lại trong dân gian). Tuy nhiên theo kết quả kiểm kê di tích do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn thực hiện năm 2018, hiện chỉ còn 46 điểm di tích, địa điểm, địa danh còn được ghi nhận, 6 điểm còn lại đã hoàn toàn mất dấu tích.
Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một thung lũng hẹp, kẹp giữa hai dãy núi Bảo Đài và Cai Kinh, là nơi thể hiện tài thao lược, nghệ thuật quân sự của cha ông trong lịch sử, với tư duy chiến thuật tài tình, khả năng vận dụng/tận dụng tối đa địa hình địa thế đã góp phần vào thắng lợi của các trận đánh. Với việc kết hợp tiến công quân sự với nghi binh, địch vận, kết hợp và vận dụng thành công các hình thức chiến thuật: phục kích, tập kích, truy kích, công thành, tác chiến trận địa trong trận Chi Lăng đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn, góp phần quyết định trong thắng lợi của cuộc kháng chiếng chống Minh.
Thời tiền sử Chi Lăng đã là quê hương của các nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng như: Bắc Sơn, Mai Pha với hệ thống di tích tiêu biểu như Hang Lạng Nắc, Hang Ngườm Sâu, Hang Nà Ngụm… nơi lưu giữ, phát hiện những di vật, mảnh tước, rìu đá, mảnh gốm… minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền sử của người Việt cổ có giá trị về nghiên cứu khoa học. Trên mảnh đất này còn có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Hang Gió, núi Bàn Cờ, Núi Phượng Hoàng, Núi Mặt Quỷ, Núi Mã Yên… có giá trị về cảnh quan, môi trường tự nhiên hấp dẫn.
Chi Lăng ghi dấu những trang sử hào hùng của dân tộc với tầng tầng lịch sử, lớp lớp chiến công của cha ông ta với 2 lần chống Tống (năm 981 và 1077), 2 lần kháng chiến chống quân Nguyên xâm lược (năm 1285 và 1287), cuộc chống quân xâm lược Mãn Thanh (năm 1788 – 1789), đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ (tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh những năm 1882 – 1888, nữ du kích Quang Lang bắn rơi máy bay Mỹ). Trong lịch sử, đây là nơi liên tục diễn ra các trận đánh mang tính chiến lược trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà đỉnh cao là chiến thắng Chi Lăng năm 1427 quân và dân ta đã lập nên một chiến công vang dội tiêu diệt đạo quân tiếp viện hơn 10 vạn quân Minh do Liễu Thăng chỉ huy, góp phần kết thúc trường kỳ cuộc kháng chiến, lật nhào ách đô hộ của Nhà Minh dành lại trọn vẹn non sông, đất nước.
Chiến thắng Chi Lăng đã đi vào lịch sử vào Lịch sử Việt Nam một mốc son chói lọi, cùng với các chiến thắng Bạch Đằng, Như Nguyệt, Rạch Gầm, Xoài Mút, Ngọc Hồi – Đống Đa, Điện Biên Phủ, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Chiến thắng Chi Lăng là khúc ca hùng tráng về chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tinh thần quyết chiến quyết thắng và nghệ thuật quân sự tuyệt vời của dân tộc ta. Với những giá trị lịch sử quan trọng đó ngày 28/4/1962 Khu di tích được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia đợt đầu theo Quyết định số 315/QĐ-BVH; Chi Lăng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; năm 2019, Khu di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1954/QĐ-TTg, ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ – khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc Viêt Nam.
Có thể khẳng định rằng, trong suốt chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Khu di tích lịch sử Chi Lăng đã tạo nên những dấu ấn quân sự rất đáng tự hào. Nó đã từng nhiều phen làm kẻ thù xâm lược phải “kinh hồn, bạt vía”, không chỉ nổi tiếng trong nước, mà còn được bạn bè quốc tế biết đến. Điều đó đã khẳng định và chứng minh địa thế đặc biệt quan trọng của vùng đất Chi Lăng cũng như tầm nhìn chiến lược, trình độ tổ chức chiến trận và nghệ thuật quân sự của ông cha ta đối với địa thế của Chi Lăng trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Với những “lợi thế” về thời gian, không gian, Khu di tích lịch sử Chi Lăng thực sự là điểm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Nhiều chuyên gia đều chung nhận định, nếu biết liên kết các điểm di tích thành một “tour khép kín”, quần thể di tích Chi Lăng sẽ có sức hút lớn với du khách.
Để xây dựng thương hiệu Khu di tích lịch sử Chi Lăng là điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan trong và ngoài nước, tỉnh Lạng Sơn đã lập “Đề án Xây dựng và phát triển Khu di tích Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với mục tiêu “Xây dựng Khu Di tích thành không gian giáo dục truyền thống – lịch sử – văn hóa – tâm linh tiêu biểu của tỉnh, có quy mô, ý nghĩa chiến thắng của dân tộc Việt Nam, kết hợp xây dựng thành điểm du lịch có tính chất trung tâm, động lực của tỉnh Lạng Sơn kết nối với các khu, điểm du lịch trong tỉnh và khu vực. Phát huy giá trị Khu di tích, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển du lịch, dịch vụ, giải quyết công ăn việc làm, góp phần cải thiện đời sống nhân dân” và mục tiêu cụ thể “Bảo vệ, gìn giữ, làm sáng tỏ và phong phú thêm các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của toàn bộ Khu di tích; tôn vinh giá trị lịch sử và truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Mở rộng phạm vi ranh giới, không gian Khu di tích đáp ứng việc tiếp tục phát triển Khu di tích trong tình hình mới. Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của Khu di tích đảm bảo đồng bộ và thuận tiện. Phát triển hệ thống dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, chất lượng cao nhằm thu hút và đáp ứng nhu cầu của du khách quanh năm. Đồng thời công tác bảo tồn phát huy các giá trị di tích phải dựa trên quan điểm tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, giữ gìn, duy trì các giá trị cộng đồng, phát triển du lịch cần gắn với lợi ích cộng đồng, có sự tham gia của cộng đồng. Công tác bảo tồn giá trị lịch sử, văn hoá, tự nhiên Khu di tích làm nền tảng, khai thác đi đôi với bảo vệ, phát huy các giá trị phục vụ khách tham quan du lịch. Lấy giá trị của khu di tích làm động lực để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và ngược lại phát triển kinh tế – xã hội là nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo các di tích./.
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Lạng Sơn