Cứ dịp rằm tháng 7, bà con các dân tộc Tày, Nùng Lạng Sơn lại nô nức đón một cái tết vô cùng quan trọng và mang đầy ý nghĩa tốt đẹp, đó là tết Pây tai.
Cùng với Tết Nguyên Đán, tết “Pây tai” là một trong hai cái Tết quan trọng nhất trong năm, góp phần tô điểm thêm bản sắc văn hóa của người dân tộc Tày, Nùng Xứ Lạng. “Pây Tai” theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là “về ngoại”.
Giống như cái tên của nó, tết “Pây tai” là ngày mà những người con gần xa cùng nhau về sum họp tại nhà ngoại. Là dịp để những người con gái đã đi làm dâu, con rể và các cháu ngoại sẽ cùng nhau về báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Tết “Pây tai” thường được bắt đầu từ ngày 10/7 Âm lịch đến hết ngày 15/7 Âm lịch. Dịp này, những người công tác hay sinh sống ở xa có điều kiện sẽ trở về quê hương. Tại Lạng Sơn, tùy từng nơi, tùy từng dân tộc mà định ngày ăn rằm khác nhau. Người Tày, người Nùng ăn rằm ngày 14, người Kinh thì ăn ngày 15. Có nơi, người Tày, Nùng cũng ăn rằm ngày 15 như người Kinh. Tuy nhiên, hiện nay yếu tố công việc cũng tác động đến việc quyết định ngày để ăn rằm tháng Bảy. Có nhà vì con cháu bận việc nên có thể ăn từ mùng 10 hoặc thậm chí là qua rằm mới sum họp…
Theo truyền thống, con gái và con rể sẽ đem lễ về thăm nhà ngoại để tỏ lòng biết ơn sinh thành của cha mẹ. Món quà mang về thăm cha mẹ bên ngoại ít nhiều do từng nhà, nhưng không thể thiếu đó là 2 con vịt béo, vài cặp bánh gai hoặc bánh chuối và một chai rượu nhỏ. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của người dân.
Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp rằm tháng 7 là bà con nơi đây lại làm bánh gai, có nhà thì làm bánh chuối, nhà nào cũng trên dưới 100 cặp bánh, một phần để làm lễ đi ngoại, một phần để biếu anh em, họ hàng. Đến ngày “đi ngoại” thì chuẩn bị thêm 2 con vịt, bánh kẹo, hoa quả, rượu là đủ lễ.
Sở dĩ phải có vịt trong dịp tết này là vì theo truyền thuyết, vịt là sứ giả của trần gian với trời, vịt có công cõng gà trống vượt biển đi cống sứ mường trời vào ngày rằm tháng 7 hàng năm để cầu mùa màng bội thu cho người nông dân. Hơn nữa, văn hóa người Việt từ xưa đến nay là văn hóa lúa nước, tháng 7 âm lịch chính là thời gian người dân thu hoạch xong mùa vụ. Với chăn nuôi cũng vậy, từ cuối tháng 3 âm lịch khi thời tiết ấm lên thì người dân bắt đầu nuôi gà, vịt. Đến tháng 7 âm lịch, vịt mới trưởng thành là thời điểm thịt vịt ăn ngon nhất. Vì vậy, từ xưa, vịt trở thành món ăn truyền thống, thành con vật làm lễ của người dân.
Trong dịp này, ngoài thịt vịt, mâm cỗ cúng tổ tiên của người Tày, Nùng không thể thiếu món bánh gai, bánh rợm, bún, hoa quả. Đặc biệt, người Tày, Nùng tại một số vùng ở Lạng Sơn còn làm bánh chuối, được làm từ quả chuối chín hoặc từ củ chuối. Có nhà còn làm bánh gai, bánh chuối gói chung trong 1 tàu lá. Cứ từng cặp bánh xâu lại với nhau rồi treo lên sào dài, những đôi bánh này còn được gọi là “Pẻng tải”, bánh vắt hay bánh treo.
“Pẻng tải” (bánh gai) là món bánh quen thuộc không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên của người Tày – Nùng (Lạng Sơn) dịp Rằm tháng Bảy. Dù ở quê hay làm ăn xa trên những vùng đất mới, đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn giữ tục tự giã bánh để cúng tổ tiên, biếu cha mẹ và cho gia đình thưởng thức.
Gạo để làm loại bánh này phải là loại nếp ngon, không lẫn tẻ, có vậy bánh mới mềm và dai, ăn không cứng. Nếp được ngâm chừng một buổi cho no nước, xay trong cối đá hoặc xát bằng máy thành một thứ bột đặc sánh, đựng trong túi vải, treo lên cho róc nước. Lá gai đã được hái về từ trước, tước bỏ gân lá, phơi khô. Lá khô đem ninh, khi đun bỏ thêm chút vôi tôi cho mau nhừ. Xong, rửa sạch, vắt khô, thái mịn. Đường phên – loại đường làm thủ công từ cây mía được thái nhỏ. Người ta nhào đường này, lá gai với bột cho đều rồi đem giã trong cối đá cho thật nhuyễn. Bột giã xong có màu xanh đen, mịn màng, dẻo quánh. Mùi nếp, mùi mật, mùi lá gai quyện vào nhau thơm nức. Pẻng tải được gói bằng lá chuối, hình dẹt. Nhân bánh gai được làm bằng lạc giã nhỏ hoặc đỗ xanh trộn đường. Bánh hấp trong chõ như đồ xôi từ lúc nước sôi cho đến khi bánh chín. Khi ăn, không thể lột bỏ lá bánh một cách vội vàng được. Phải thong thả tước lá thành từng sợi để bánh khỏi dính theo lá. Chiếc bánh bóc ra đen nhánh, mịn màng như một lát thạch. Bánh có vị ngọt sắc của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị bùi của nhân đậu, ăn không ngấy. Khi ăn, không thể lột bỏ lá bánh một cách vội vàng được. Phải thong thả tước lá thành từng sợi để bánh khỏi dính theo lá. Chiếc bánh bóc ra đen nhánh, mịn màng như một lát thạch. Bánh có vị ngọt sắc của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị bùi của nhân đậu, ăn không ngấy. Bánh gai có thể để nhiều ngày mà không sợ mốc. Nếu để lâu, bánh khô, người ta có thể đem nướng trên than hồng, bánh nở phồng, ăn vẫn ngon. Hoặc có thể đem rán lại cho bánh mềm, ăn có vị ngon riêng. Chính từ những món ăn, những món bánh đặc trưng của người dân tộc nơi đây đã tạo nên 1 nét văn hóa riêng có. Hết Rằm, người dân quay lại với công việc đồng áng. Lúc lên nương rẫy họ vắt bánh lên vai như cách vắt một chiếc khăn mặt ở cổ. Chiếc bánh trở nên gần gũi, quen thuộc trong lối sống của họ. Đặc biệt, trẻ em Nùng luôn yêu thích, lớn lên trong mùi vị béo ngậy thơm ngọt của chiếc bánh. “Pẻng tải” từ đó cũng trở thành món bánh gắn kết, thành đặc sản – nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày, Nùng xứ Lạng.
Từ bao đời nay, người Tày, Nùng vẫn gìn giữ nguyên vẹn tết “Pây tai” dịp rằm tháng 7 với những giá trị nhân văn, giáo dục sâu sắc. Đây cũng là dịp để các gia đình đoàn viên, sum họp. Cùng với ý nghĩa lễ Vu Lan trong Phật giáo, tết “Pây tai” chính là phong tục mang đậm tín ngưỡng hiếu kính cha mẹ của người Tày, Nùng trong ngày rằm tháng Bảy, góp phần tô điểm thêm phong phú không gian văn hóa chung của đồng bào các dân tộc, là những nét đẹp văn hóa cần tiếp tục được gìn giữ và phát huy.
Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Lạng Sơn