Lễ hội Ná Nhèm diễn ra vào ngày 15 tháng giêng (âm lịch) nhưng các công việc chuẩn bị đã được tiến hành triển khai thực hiện từ trước đó khoảng 2 tuần. Từ mùng 1 tết ở Đình diễn ra lễ cúng Thành Hoàng. Các cụ già tổ chức họp và bàn giao khóa lềnh, khóa mo, khóa hội giữa năm cũ và năm mới. Sau đó bàn và chuẩn bị các công việc liên quan đến lễ hội như: thành lập ban tổ chức, chuẩn bị kinh phí, nguồn nhân lực; phân công người đóng và luyện tập các vai diễn, chuẩn bị trang phục, đạo cụ, chuẩn bị lễ vật…và các điều kiện khác để phục vụ cho lễ hội. Tất cả mọi công việc phải chuẩn bị xong trước ngày rằm, trong đó mỗi một nhóm người tham gia đều quy định rõ số lượng và nội dung công việc khác nhau.
Cùng với các hoạt động nghi lễ trong Lễ hội Ná Nhèm còn có rất nhiều trò chơi trò diễn đặc sắc như: Trò đánh trận tập và tiến cống lễ vật, Sau trò này trong lễ hội Ná Nhèm còn tổ chức them trò Trò Sỹ – Nông – Công Thương; Ngư – Tiều – Canh – Mục ( kén dâu, kén rể); đánh đu, đánh cờ… nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giao lưu văn hóa của cộng đồng.
Lễ hội Ná Nhèm là lễ hội với hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa cộng đồng nên thấm đượm tinh thần dân chủ và nhân văn sâu sắc. Đồng thời thể hiện một quá trình giao lưu văn hóa lâu dài giữa người Tày và người Việt, văn hóa Tày và văn hóa Trung Hoa. Hiện nay sau hơn 50 năm gián đoạn Lễ hội Ná Nhèm đã được khôi phục và tổ chức lại hàng năm để đáp ứng nhu cầu giao lưu, hưởng thụ văn hóa của nhân dân