Di tích Nhà bia Thủy Môn Đình nằm ở sườn núi Phja Mạt, sát quốc lộ 1A, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 2 km, thuộc khu Vườn Sái, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 15 km.
Bia Thủy Môn Đình được dựng vào năm 1670 bởi Nguyễn Đình Lộc – một viên quan triều Lê. Bia được tạc và đặt tên là Thể tồn bi kí (Liên kết tồn tại) để ghi lại những việc làm đúng đắn, tốt đẹp của một giai đoạn lịch sử cho con cháu lấy đó làm gương để bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Nội dung văn bia đã thể hiện rõ tư tưởng chỉ đạo ghi trên trán bia “Hãy liên kết mà tồn tại để bảo vệ biên cương”. Ngoài ra, việc tạo dựng tấm bia còn nhằm một mục đích sâu xa hơn là khẳng định chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của đất nước: “Việt Nam hầu thiệt. Trấn Bắc ải quan” (Đây là cửa ngõ và yết hầu của nước Việt Nam và là ải quan trấn giữ phương Bắc). Hai chữ “Việt Nam” trong bia Thủy Môn Đình (năm 1670) có một giá trị lịch sử đặc biệt. Tấm bia đã khẳng định một đất nước có chủ quyền, đất nước Việt Nam của người Việt Nam.
Bia Thuỷ Môn Đình được đặt trong nhà bia với kiến trúc kiểu Phương Đình. Bốn mặt của nhà bia không có tường bao, kiến trúc gồm 4 cột cái và 4 cột quân. Bia là một khối đá màu xám, thân bia có chiều cao 1,3m; chiều rộng 0,82m; bề dày 0,25m. Bia có chân mộng cao 0,17m; dài 0,6m; rộng 0,15m để lắp vào đế bia trên lưng một con Rùa đá lớn. Toàn văn nội dung bia được khắc bằng chữ Hán, gồm 33 dòng, 869 chữ, phân bố trong 2 mặt bia.
Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, đến nay bia Thuỷ Môn Đình luôn là một chứng tích lịch sử quý báu, có thể nói như là một di vật, bảo vật của quốc gia./.