Đền Mẫu Đồng Đăng

Đền Mẫu Đồng Đăng là nơi thờ Phật và Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Nơi đây được coi là chốn linh thiêng nhất trong số những ngôi đền thờ Mẫu của người Việt. Xưa kia, đền Mẫu Đồng Đăng còn có tên là “Đồng Đăng linh tự”. Theo ghi chép cũ còn để lại, thời xa xưa, nơi đây là một ngôi chùa nằm trong một mái đá sát chân núi (cách vị trí đền ngày nay khoảng hơn 300m về phía Đông Bắc). Sau này, chùa được đông đảo người dân từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước đến hành hương, không gian thờ cúng trở nên chật hẹp, nhân dân địa phương đã di chuyển nơi thờ tự đến vị trí hiện nay.

Nơi đây còn lưu truyền câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh (một trong “Tứ bất tử” trong văn hóa tâm linh của người Việt) và Trạng Bùng – Phùng Khắc Khoan, khi ông vừa đi sứ Trung Quốc trở về

Đền Mẫu Đồng Đăng có khuôn viên khá rộng, nằm sát ngay chân núi. Cổng tam quan đền được xây dựng khá hoành tráng, cửa xây vòm cuốn, có một cửa chính và hai cửa phụ, với những họa tiết, hoa văn đặc sắc. Trên các cột trụ của cổng tam quan có đắp một hàng câu đối bằng chữ Nho. Đặc biệt, trên các đỉnh của cổng tam quan có chuông đồng và khánh đồng. Những dáng long, phượng mềm mại, đối xứng nhau tạo nên dáng cổ linh thiêng cho đền.

Bước qua cổng đền, khách đến chiêm bái bước vào không gian của cõi Phật – Thánh với khói nhang phảng phất. Sân đền có diện tích rộng, nhiều cây xanh. Đặc biệt, hai bên tả, hữu đền còn có hình 2 chú voi được điêu khắc phủ phục hai bên lối đi trước khi vào nội đền.

Chính giữa sân đền là ban thờ Phật với tượng Phật bà Quan Âm bằng đá trắng, đứng trên hòn giả sơn thật đẹp và uy nghi. Không gian đền là những công trình kiến trúc được xây dựng khá xảo theo lối tăng cấp, tựa mình vào ngọn núi.

Đền Mẫu Đồng Đăng trước đây được thờ phụng tại một mái đá sát chân núi  (Cách vị trí đền ngày nay khoảng hơn 300m về phía Đông Bắc) hiện tại ở vị trí này còn có một bia đá Ma Nhai kích thước rộng 53cm x 80cm, cạnh đó có một nghiêm mực đá được chạm khắc vào tháng sáu năm Kỷ Tỵ, triều Gia Long thứ 8 (1809).

Qua nội dung bia này cho thấy đây vốn là một di tích thờ Mẫu Thiên Cửu Trùng (Theo nhân dân trong vùng kể lại, đây là do bà Bang Dụ – một phụ nữ ở địa phương nhân một lần mơ thấy  Thánh Mẫu hiện về, sau đó đứng ra xây dựng  lên). Sau này, thấy nơi này chật hẹp  không thuận tiện lắm cho việc thờ cúng, nhân dân địa phương di chuyển bài vị thờ tự vào vị trí hiện nay và xây dựng lên kiến trúc Đền Mẫu Đồng Đăng. Năm 1979 trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc đền bị tàn phá, hư hỏng nặng mãi đến năm 1990 nhân dân địa phương mới cùng nhau tu tạo lại theo kiểu dáng kiến trúc cũ, để làm nơi sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng.

Đây là nơi thờ tự tín ngưỡng thánh Mẫu và phật theo kiểu “ Tiền Thánh – Hậu Phật”.

Tượng phật được bài trí tại cung cấm trên vị trí cao nhất, gồm có tượng Phật “Tổ Như Lai” toạ trên đài sen đang thuyết pháp cho chúng tăng.

Hàng thứ hai kế tiếp theo là 03 pho: 2 Tượng Quan âm Bồ Tát ở giữa, hai bên và quan âm Thiên Thủ Thiên Nhãn ở giữa.

Việc bài trí các tượng phật tại đền Mẫu Đồng Đăng cũng giống như mô típ thờ tự tại các đền phủ khác của tín ngưỡng Mẫu coi trọng phật pháp những vị bề trên của Thánh Mẫu.

Hệ thống tượng thờ của tín ngưỡng Mẫu bài trí tại các ban thờ trong đền Mẫu này khá phong phú đầy đủ các thứ bậc, có thể nói đây là một di tích thờ Mẫu khá quy củ.

Hệ thống sáng tạo (Tứ phủ) gồm có Mẫu Thiên (Đệ nhất) Mẫu Thoải (Đệ tam) Mẫu Địa (Đệ Tứ) Mẫu Thượng Ngàn (Đệ nhị) được bài trí ở hàng dưới các tượng phật thờ trong cung cấm.

Thờ Ngũ Vị Tôn Ông (gồm: Từ quan lớn đệ Nhất đến quan lớn đệ Ngũ, mỗi vị có một nhiệm vụ  khác nhau và cai quản một phương, được đặt trước cửa cung cấm (Tại cung Đệ Nhị).

Trong cung Đệ Nhị, bên phải ban thờ Ngũ Vị Tôn Ông còn có cung Vua Cha. Theo quan niệm của tín ngưỡng Mẫu: Đây là vị Tối Thượng Thần cao nhất của Thiên Đình, vốn nguyên là nhân vật của Đạo Giáo (Trung Hoa) phối tự vào tín ngưỡng Mẫu và có vị thế cao hơn Thánh Mẫu. Tại cung thờ này có tượng Vua Cha Ngọc Hoàng ở giữa, hai bên ngoài có tượng Nam Tào, Bắc Đẩu (hai vị thần coi việc sinh, tử ở Thiên Đình).

Tầng dưới, cung Vua Cha là ban thờ Tứ phủ ông Hoàng (những vị thánh có thứ bậc dưới hệ thống Chầu Bà: Có nhiệm vụ thực hiện những ý đồ sáng tạo của Mẫu) gồm các tượng Ông Hoàng Đệ Nhất, Ông Ba, Ông Bảy, Ông Mười.

Ở cạnh cung Đệ Nhị (bên phải) là cung Chúa Chầu: Trong tín ngưỡng Mẫu: Hệ thống Chầu Bà gồm có rất nhiều người, đây là lược lượng thực hiện ý đồ sáng tạo của “Tứ Phủ Thánh Mẫu, hệ thống sáng tạo”. Các tượng Chúa Chầu ở di tích Mẫu Đồng Đăng gồm có 04 pho đại diện của 04 miền đó là Chầu Đệ Nhất (áo đỏ trên cao nhất), Chầu Đệ Nhị (áo xanh), Chầu Thoải và Chầu Tứ. Xung quanh các tượng này có hai ông Hổ chầu vào, cùng Thập nhị Tiên cô là những vị thị giả có lòng kính Mẫu đi theo Mẫu để hầu cận các Ngài.

Tại cung Đệ nhất : Ban thờ trang trọng chính giữa đặt tượng thờ Mẫu Cửu trùng (Mẫu Đệ Nhất) vị thánh được thờ tự từ khi đền mới được thành lập.

Bên trái cung thờ này là cung Đức Thánh Trần Triều, vị anh hùng dân tộc đã lãnh đạo quân dân thời Trần  (thế kỷ XIII) 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Ngài được phối tự thờ trong đền như một vị thánh, vị cha chung cho cả thiên hạ.

Bên phải cung Mẫu Cửu Trùng là ban thờ cô bé bản đền (Cô bé Đệ nhị: Thuộc cung Chúa Thượng Ngàn) việc thờ phụng này còn nói lên việc đền Mẫu Đồng Đăng ở trong vị thế là nơi miền núi cửa ngõ đất nước, Cô bé là vị thần cai quản núi rừng trong khu vực.

Ngoài ra, bên ngoài hành lang trái của đền còn có một cung thờ khác đó là cung Cậu Bé bản đền (cậu đôi) vị thị giả cũng thuộc cung chúa Sơn Trang nơi cửa rừng.

Cũng như các đền phủ khác trong đền này còn có một số ban thờ Ngũ Dinh ( 05 ông Hổ: những vị Thần coi nơi cửa rừng núi) và ông Lốt (Rắn xanh, vàng, đỏ, trắng quấn trên xà nhà đầu trong vào ban thờ cung cấm: đó là thần Sông ( hiện thân của quan lớn Tuần Tranh).

Di tích đền Mẫu Đồng Đăng là một công trình kiến trúc kiểu Tôn giáo – Tín ngưỡng có giá trị về mặt kiến trúc, mỹ thuật. Tuy đền mới được tái tạo lại bằng các vật liệu hiện đại nhưng thể hiện được các chi tiết mĩ thuật truyền thống mang dáng vẻ nghệ thuật truyền thống của dân tộc, có giá trị gợi mở về một di tích tín ngưỡng. Các đồ thờ tự, tượng thờ , hoành phi – câu đối, cửa võng, ban thờ mang tính chất mỹ thuật cao, các bản văn tự hán nôm tại di tích có giá trị văn học nghệ thuật về nội dung và mỹ thuật qua cách thể hiện.

Với tính chất là một di tích, đây là nơi đã được bà con nhân dân trong vùng và khách thập phương tới để thoả mãn nhu cầu văn hoá tâm linh, hướng tâm hồn mình tới những điều linh thiêng qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng, cộng cảm và bảo lưu, phát huy bản sắc cội nguồn dân tộc.

Qua các lễ tết, cũng như lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm tại di tích (10/Giêng âm lịch) là dịp để mọi người dân xa gần (cả du khách Trung Quốc ở bên kia bên giới) quy tụ về hành hương, lễ phật, thánh cầu mong cho mình và gia đình những điều tốt lành, qua đó cũng là dịp để cho mọi người gặp gỡ, thăm hỏi nhau trong dịp tết.

Trong chiến lược phát triển Kinh tế – Du lịch của tỉnh nhà cũng như  việc xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, điểm di tích Đền Mẫu- Đồng Đăng với giá trị văn hoá nghệ thuật, tín ngưỡng của nó đã có một vai trò quan trọng, là một công trình văn hoá nơi cửa ngõ của đất nước trong sự nghiệp văn hoá của tỉnh Lạng Sơn.

Leave Comments

0886055166
0886055166