Nếu miến dong là tặng phẩm của đất Cao Bằng, bánh đa cua là đặc sản của Hải Phòng thì khi đến với Xứ Lạng, du khách có thể mua bún ngô với màu sắc đẹp, được đóng gói kỹ càng về làm quà cho người thân, bạn bè.
Với sản lượng lớn lúa, ngô trên địa bàn, người dân Xứ Lạng đã sáng tạo trong chế biến, sản xuất tạo thành những sản phẩm nông nghiệp có giá trị như: cao khô Vạn Linh, cốm Tràng Định… và những năm gần đây trên thị trường xuất hiện một sản phẩm mới ngày càng được ưa chuộng, đó là bún ngô Đình Lập. Ông Trần Thế Kiên, Chủ tịch Câu lạc bộ đầu tư khởi nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và Thương mại Thiên Phú cho biết: Khi nhận được thông tin chị Bế Thị Lan Anh ở xã Đình Lập, huyện Đình Lập có ý định sản xuất bún ngô, chúng tôi đã hướng dẫn, tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ vay vốn lãi suất ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội tỉnh. Cùng với đó Công ty Thiên Phú đã nhập và phân phối sản phẩm. Qua 4 năm phân phối, chúng tôi nhận thấy sản phẩm Bún Ngô Thuận Anh ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng với sản lượng tiêu thụ ngày càng tăng. Hiện nay tôi đã hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu bún ngô sang thị trường các nước Châu Âu.
Được biết, bún ngô có thành phần chủ yếu là ngô vàng, gạo bao thai và nước. Ngô sau khi thu mua của người dân địa phương được cho vào máy tách hạt. Ngô tách xong được mang đi ngâm 48 tiếng, cứ 12 tiếng một lần thay nước để bớt mùi nồng của ngô. Tiếp đó, hạt ngô được cho vào máy, cùng với gạo bao thai đã ngâm nghiền thành bột rồi cho vào máy nhào để tạo độ ẩm và độ keo. Tiếp theo bún được đưa lên máy ép thành sợi, tạo khuôn, cắt sợi, xong rồi thì ủ trong vòng 1 đêm, hôm sau mang ra phơi. Đến lúc khô thì đóng túi và mang ra thị trường.
Chủ cơ sở Bún ngô Thuận Anh (Đình Lập) treo bún lên sào sau khi tạo khuôn và cắt sợi bún với độ dài phù hợp
Chị Bế Thị Lan Anh, Chủ cơ sở sản xuất Bún Ngô Thuận Anh cho biết: Để bún ngon thì phải chọn gạo bao thai ngon, hạt ngô phải chắc mảy. Quá trình làm phải khép kín, đều đặn theo quy trình, đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng từng bộ phận và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bình quân 3 tấn ngô sẽ cho 1 tấn bún thành phẩm. Mỗi ngày cơ sở Bún ngô Thuận Anh sản xuất ra khoảng từ 1 đến 1,5 tấn bún. Bún ngô được đóng thành túi nhỏ 400 gam với giá niêm yết là 25 nghìn đồng/túi. Chị Hoàng Thị Mai, du khách đến từ Hà Nội cho biết: Năm 2019, tôi được một người bạn ở Lạng Sơn gửi cho 5 túi bún ngô. Sau khi chế biến thành món xào, tôi thấy ăn rất ngon, thơm, mát và dai dai giống mỳ Ý. Ngoài các món xào, bún ngô ăn cùng với các món lẩu cũng khá hợp. Vì thế, mỗi lần lên đây chơi, tôi đều mua về cho gia đình và làm quà cho bạn bè hoặc lúc nào thích ăn thì gọi điện nhờ bạn gửi về cho chục túi.
Để sản xuất được bún ngô cần ít nhất là 2 nhân công. Đặc biệt, vào mùa cao điểm từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, cơ sở Thuận Anh còn phải thuê thêm khoảng 10 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nông Thị Yến Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Đình Lập cho biết: Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn huyện Đình Lập có thêm một đặc sản được nhiều người biết đến là món bún ngô Thuận Anh. Chủ cơ sở sản xuất là người trẻ tuổi, sáng tạo chủ động trong khởi nghiệp, tạo nên thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương. Năm 2019 Bún ngô Thuận Anh được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Được biết, từ đầu năm 2021 đến nay, bún ngô Thuận Anh đang được Sở Khoa học và Công nghệ kiểm nghiệm, hoàn thiện quy trình để xuất khẩu sang thị trường các nước Châu Âu, Hàn Quốc. Hiện nay, cơ sở tiếp tục nghiên cứu, mở rộng sản xuất với những sản phẩm mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường như: bún gạo bao thai, bún gạo lứt, mỳ ngô tách đường… Với sự sáng tạo, mạnh dạn trong sản xuất, kinh doanh của chủ cơ sở Bún ngô Thuận Anh, tin tưởng và hy vọng rằng, thương hiệu bún ngô Đình Lập cùng với các sản phẩm mới sẽ ngày càng được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, trở thành một sản phẩm tiêu biểu của ẩm thực Xứ Lạng, là món quà ý nghĩa của du khách khi đến với Lạng Sơn.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU