UBND tỉnh ban hành Quyết định số 825/QĐ-UBND, ngày 19/4/2021 phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030.
Theo đó Đề án đưa ra mục tiêu phấn đấu thực hiện đến năm 2025, du lịch Lạng Sơn trở thành ngành kinh tế quan trọng và trở thành một trong những trọng điểm du lịch của vùng trung du miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trưng, có sức cạnh tranh. Đến năm 2030, du lịch Lạng Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh với hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm du lịch đa dạng, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao; du lịch đóng góp 10% vào GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.
Trong đó mục tiêu cụ thể:
+ Đến năm 2025: Khách du lịch đạt 4,4 triệu lượt khách (trong đó có 900 nghìn lượt khách du lịch quốc tế và 3,5 triệu lượt khách du lịch nội địa); Tổng thu từ du lịch đạt 5.200 tỷ đồng, đóng góp 6,8% GRDP của tỉnh; Cơ sở lưu trú du lịch có 5.400 buồng lưu trú, trong đó có 1.100 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 – 5 sao; Nguồn nhân lực du lịch đến năm 2025, toàn tỉnh có 15.200 lao động du lịch, trong đó có 7.000 lao động trực tiếp, 50% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản phục vụ công tác quản lý và phục vụ hoạt động du lịch; Khu, điểm du lịch: có 01 khu du lịch quốc gia (khu du lịch Mẫu Sơn); 03 khu du lịch cấp tỉnh ; có 09 điểm du lịch mới ; có 06 điểm du lịch cộng đồng mới. Nhu cầu vốn đầu tư du lịch đến năm 2025, ngành du lịch toàn tỉnh cần được đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
+ Đến năm 2030: Khách du lịch thu hút khoảng 6 triệu lượt khách (trong đó có 1,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 4,6 triệu lượt khách du lịch nội địa;Tổng thu từ du lịch đạt 10.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 10% GRDP của tỉnh; Cơ sở lưu trú du lịch có 7.500 buồng lưu trú, trong đó có 2.100 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 – 5 sao; Nguồn nhân lực du lịch toàn tỉnh có 40.100 lao động du lịch, trong đó có 14.700 lao động trực tiếp, 100% lao động trực tiếp trong ngành du lịch được đào tạo kiến thức, kỹ năng cơ bản phục vụ công tác quản lý và phục vụ hoạt động du lịch. Nhu cầu vốn đầu tư du lịch giai đoạn 2026 – 2030, ngành du lịch toàn tỉnh cần được đầu tư khoảng 13.000 tỷ đồng.
Trên cơ sở dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch Đề án đề ra 06 nhóm vụ cơ bản và 10 nhóm giải pháp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan liên quan./.